Ngành bất động sản tích cực chuyển đổi số
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, áp lực số hoá có thể sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để bứt phá thích nghi với hoàn cảnh kinh doanh mới.
Mới đây, một số tập đoàn, công ty bất động sản đã bắt đầu quá trình chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ đám mây. Theo đó, FPT sẽ tư vấn chiến lược về lĩnh vực chuyển đổi số, chọn các giải pháp công nghệ thông tin cho tất cả lĩnh vực hoạt động các công ty như phát triển, số hóa sản phẩm, quản trị sản xuất tự động và thông minh, quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp thông minh, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sản phẩm, khách hàng, nguồn nhân lực, vật liệu, nhà cung ứng…
![]() |
Thời gian tới, áp lực số hoá sẽ khiến các doanh nghiệp BĐS buộc phải thay đổi để bứt phá |
Đơn cử, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản FILMORE đã thực hiện triển khai dự án SAP ERP, nhằm xây dựng hệ sinh thái số hiện đại, giúp tối ưu hoạt động quản trị công ty, gia tăng hiệu quả đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh. Dự án đã ứng dụng bộ giải pháp chuyên biệt cho ngành bất động sản do FPT IS phát triển trên nền tảng SAP S/4HANA, có khả năng đáp ứng đầy đủ chuỗi giá trị và quy trình nghiệp vụ phức tạp của ngành. Qua đó, FILMORE sẽ được trang bị các giải pháp quản lý chuyên sâu bao gồm tài chính kế toán, quản lý vòng đời dự án, quản lý chất lượng dự án, quản trị quan hệ khách hàng…
Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho rằng, chiến lược tổng thể của FPT cho ngành bất động sản, ngoài việc thấu hiểu các bài toán của ngành thì phải nhìn nhận vấn đề này trong bức tranh tổng thể liên quan tới các trụ cột về chuyển đổi số quốc gia, xu thế về đại đô thị thông minh, các thành phố thông minh.
Báo cáo về bức tranh đổi mới sáng tạo trong ngành bất động sản năm 2021 của KPMG chỉ ra, 43% các công ty tập trung vào phần quản lý các công trình dự án bất động sản; 19% tập trung vào phần về giao dịch, kể cả giao dịch bán cũng như giao dịch cho thuê... Như vậy, phần tỷ trọng chiếm cao nhất và đang được ưu tiên là số hóa các quy trình trong suốt chuỗi cung ứng, chuỗi giải trình cũng như trong nội bộ của công ty xây dựng, bất động sản.
Một số chuyên gia nhận định, chuyển đổi số tiếp tục được coi là “phao cứu sinh”, là chìa khóa mở cánh cửa thời kỳ mới phục hồi và tăng trưởng của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng.
Song trên thực tế, ngành bất động sản và xây dựng tại Việt Nam đang chuyển đổi số tương đối chậm so với các ngành khác. Hầu hết các doanh nghiệp trong ngành hiện nay chỉ thực hiện được một phần nhỏ trong quá trình chuyển đổi số, mức độ áp dụng công nghệ chỉ ở mức 37%. Thậm chí có một vài doanh nghiệp còn bỏ cuộc do chuyển đổi số thất bại nhiều lần bởi vướng nhiều rào cản, thách thức từ đặc thù. Việc phải đối mặt với bài toán nguồn lực hay việc phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và quản trị khiến nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại, chậm tiến hành chuyển đổi số.
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thời gian tới, áp lực số hoá có thể sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải thay đổi để bứt phá thích nghi với hoàn cảnh kinh doanh mới. Khi Chính phủ khuyến khích, thúc đẩy nhà đầu tư và người dân tham gia vào công cuộc chuyển đổi số thì việc áp dụng công nghệ số trong lĩnh vực bất động sản sẽ hiệu quả hơn nữa. Đầu tư phát triển bất động sản, xây dựng được xem là nhóm ngành phức tạp với nhiều quy trình vận hành quản lý, từ các hạng mục xây dựng chi tiết cho đến tất cả các hợp đồng liên quan. Áp dụng công nghệ từ trong chính hệ thống vận hành, quản trị, quy trình kinh doanh nên là lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp… Có như vậy, các doanh nghiệp ngành xây dựng, bất động sản mới “chậm chân” trong quá trình chuyển đổi số.