Hoàn thiện khung pháp lý, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

05:08 - 06-09-2022

Để hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi số phát triển, giới chuyên môn cho rằng chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách. Từ đó các ngân hàng có điều kiện và cơ hội thực thi các hoạt động chuyển đổi số theo hướng dẫn, tuân thủ pháp luật.

Bùng nổ chuyển đổi số

Ngân hàng được đánh giá là một trong những ngành tiên phong về chuyển đổi số. Diện mạo của các nhà băng Việt đang thay đổi mỗi ngày với tốc độ số hoá nhanh chóng, đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân về dịch vụ tài chính. Số liệu từ NHNN cho thấy, trong năm 2021, 10 ngân hàng top đầu đã dành tới hơn 15 nghìn tỷ đồng mỗi năm cho chuyển đổi số, tương đương 20-30% tổng chi hoạt động. Các TCTD tại Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ số tiên tiến như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng rô-bốt, trí tuệ nhân tạo… để tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng.

Kết quả tích cực từ chuyển đổi số minh chứng qua các con số. Cụ thể, hiện đã có 79 TCTD triển khai thanh toán qua Internet và 44 TCTD triển khai thanh toán qua Mobile; hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Tính đến cuối tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt hơn 2.553 triệu giao dịch, với giá trị đạt gần 83,98 triệu tỷ đồng (tăng 76% về số lượng và 30,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021). Đến nay gần 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại TCTD, gần 5,5 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 8 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động; gần 1,77 triệu tài khoản Mobile Money đã được mở với khoảng 67,2% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

hoan thien khung phap ly day nhanh tien trinh chuyen doi so
Mobile Banking đã thực sự trở thành “ngân hàng trong tầm tay”


Đặc biệt hiện ứng dụng Mobile Banking của nhiều TCTD ngày càng phổ biến cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp… và cả những dịch vụ ngoài ngân hàng như mua sắm trực tuyến, mua vé xem phim, vé máy bay, đặt phòng khách sạn/tour du lịch… mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân.

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở top đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Nhờ tích cực chuyển đổi số, nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Vẫn còn vướng cơ chế

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số, ông Trần Nhất Minh - Phó Tổng giám đốc VIB cho biết, ngân hàng xác định lấy kiến trúc công nghệ số và khách hàng làm trung tâm, đổi mới tổ chức hoạt động của đội ngũ công nghệ, phân tách tổ chức hoạt động ngân hàng số, tập trung vào hệ sinh thái số và khoa học dữ liệu... giúp tăng trải nghiệm cho khách hàng và tạo hiệu suất sinh lời tối ưu.

Không chỉ VIB, nhiều ngân hàng cũng đang tích cực có chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ bằng cách tích hợp thêm công nghệ mới vào sản phẩm và hoạt động của mình. Đơn cử như HDBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với AWS để đưa vào sử dụng dịch vụ Amazon Elastic Kubernetes. Lựa chọn giải pháp kỹ thuật nền tảng này giúp HDBank triển khai mọi ứng dụng nhanh chóng, linh hoạt theo xu hướng phát triển công nghệ hiện đại, đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng kinh doanh, kiểm soát rủi ro hoạt động một cách chủ động nhất. “HDBank sẽ dịch chuyển phần lớn các ứng dụng, hạ tầng công nghệ thông tin từ trung tâm dữ liệu của ngân hàng lên nền tảng AWS. Qua đó, phát huy thế mạnh về khả năng mở rộng của điện toán đám mây và xây dựng nền tảng dữ liệu tích hợp để tối ưu hóa tính năng phân tích dữ liệu”, lãnh đạo HDBank chia sẻ thêm tiện ích dịch vụ.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank cho rằng, với nhiều quy định mới được ban hành cùng với nỗ lực số hoá mạnh mẽ của toàn Ngành giúp cho các NHTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ra đời là cú hích giúp các NHTM bùng nổ dịch vụ số. Riêng VietinBank đã mở hơn 1,1 triệu tài khoản qua công nghệ eKYC, từ đó phát triển các dịch vụ mở thẻ trực tuyến, liên kết mở tài khoản trên các ứng dụng khác.

Tuy nhiên, các chuyên gia và bản thân người trong cuộc là các NHTM cùng chung nhìn nhận, tiến trình chuyển đổi số của các ngân hàng vẫn còn một số khó khăn nhất là về hành lang pháp lý. Ông Nguyễn Văn Hương - Giám đốc khối bán lẻ của OCB cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có quy định, hướng dẫn riêng và đầy đủ về lĩnh vực ngân hàng mở mà hiện mới chỉ có những chính sách chung về chuyển đổi số và một số quy định riêng lẻ liên quan tới một số khía cạnh của ngân hàng mở cả về pháp lý cũng như kỹ thuật.

Ngoài ra, khi phát triển theo hướng số hoá các TCTD gặp một số khó khăn khác như: Về hạ tầng, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn thiếu sự đồng bộ, gây khó khăn trong việc liên thông, kết nối, khai thác hiệu quả dữ liệu. Về vấn đề an ninh, an toàn trong quá trình chuyển đổi số cũng là một hạn chế khi tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi, hoạt động trên phạm vi toàn cầu...

Để hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi số phát triển, giới chuyên môn cho rằng chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách. Từ đó các ngân hàng có điều kiện và cơ hội thực thi các hoạt động chuyển đổi số theo hướng dẫn, tuân thủ pháp luật. Cụ thể, đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời ban hành cơ chế cho các ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, tiếp cận dữ liệu, phát triển hệ sinh thái người dùng...

Lãnh đạo các ngân hàng cũng bày tỏ mong muốn Nghị định về Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) sớm được ban hành sẽ giúp họ mạnh dạn nghiên cứu và thử nghiệm những sản phẩm mới; đồng thời tạo ra khuôn khổ pháp lý, kiểm soát được những rủi ro tiềm tàng từ hoạt động Fintech, đáp ứng sự phát triển dài hạn của ngành Ngân hàng và công nghệ tài chính. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển và khai thác dữ liệu số như thu thập và làm sạch dữ liệu từ các điểm tiếp xúc số, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây; nâng cấp cơ sở dữ liệu tập trung của NHNN và các TCTD theo mô hình dữ liệu lớn.

Để đảm bảo an ninh, an toàn và phát triển nguồn nhân lực, lãnh đạo NHNN yêu cầu nâng cao năng lực bảo vệ hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu, hệ thống trao đổi dữ liệu; đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục, bảo mật thông tin khách hàng… Song song với đó, phải thay đổi nhận thức về chuyển đổi số từ người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác này, triển khai các chương trình giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Đối với phát triển nguồn nhân lực, cần có chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư nguồn lực vào hạ tầng lõi, hạ tầng công nghệ và đẩy mạnh hợp tác quốc tế...

Lãnh đạo Vụ chức năng NHNN cho biết, hiện NHNN đang gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm (Sandbox) đối với hoạt động fintech. NHNN và các cơ quan quản lý khác sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, nhận diện các vấn đề pháp lý và đẩy nhanh giải quyết các vấn đề tồn đọng, đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, khai thác dữ liệu… để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi số của các ngân hàng trong thời gian tới.