Doanh nghiệp bất động sản linh hoạt thích ứng trong xu thế mới
Đại dịch Covid-19 thứ 4 gần đây đã gây ra nhiều khó khăn và thách thức đối với hầu hết với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, ông Caleb Lau, Tổng Giám đốc HongKong Land cho biết tại tọa đàm "Bất động sản trong xu thế mới: Linh hoạt để thích ứng" do báo Người lao động tổ chức sáng 28/10.
Covid-19 khiến cho nhiều thứ thay đổi, từ cách chúng ta đi lại, làm việc, học tập, mua sắm, ăn uống… cho đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Nhất là nhiều hoạt động trực tiếp đã được chuyển qua gián tiếp. Giờ đây, các phương tiện kỹ thuật sẽ giúp con người thực hiện các hành vi mua sắm, tiêu dùng, thậm chí là đầu tư.
“Chính vì vậy, các nhà phát triển dự án bất động sản cần phải thay đổi cách tiếp thị, phân phối sản phẩm của doanh nghiệp mình. Cụ thể gần đây, thị trường đã chứng kiến các đơn vị phát triển dự án nhà ở tiến hành chào bán và tiếp thị sản phẩm bằng hình thức trực tuyến. Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy một điều chắc chắn, thay đổi là xu thế tất yếu. Tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ coi thách thức này cũng chính là những cơ hội cần phải nắm lấy, phát triển mạnh mẽ hơn để vượt lên và đứng vững”, ông Caleb Lau nói.
![]() |
Ảnh minh họa |
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 với diễn biến phức tạp, bất động sản là một trong những ngành chịu tác động và thiệt hại nặng nề. Thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh, thành gần như đóng băng, hầu hết hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản thứ cấp… không thể diễn ra. Tuy nhiên kể từ đầu quý IV/2021, khi TP.HCM và một số tỉnh thành khu vực phía Nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu ấm dần lên.
Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Kim Oanh, cho rằng việc tình hình dịch bệnh thời gian qua diễn biến phức tạp khiến doanh nghiệp nào cũng khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt qua, không chịu lùi bước và thất bại. May mắn là thị trường đã hoạt động trở lại.
Trong khó khăn, mỗi doanh nghiệp cần có định hướng riêng và xây dựng lại. Công ty Kim Oanh cũng dừng lại xem doanh nghiệp mình cần làm, thay đổi gì để thích ứng với tình hình mới. Bước đầu tiên là hoàn thiện các dự án, công trình.
Do tại thời điểm này, nếu không xây dựng được uy tín thì doanh nghiệp sẽ không thể phát triển thị trường. Trong khi đó về vấn đề pháp lý, doanh nghiệp bất động sản hiện rất vướng, rất khó khăn, chỉ mong các địa phương làm đúng theo luật, tránh mất thời gian, chi phí đội vào giá thành nhà. Doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành có cơ chế rõ ràng để bớt áp lực, tránh tình trạng dây dưa, kéo dài thời gian, người dân chịu trận do chậm được cấp sổ đỏ, doanh nghiệp mất uy tín…
Trong tình hình mới, bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land - thành viên Van Phuc Group - chia sẻ: Chúng tôi hiện đã khôi phục 70% hoạt động ở công trường, dù công nhân khó khăn trong việc quay lại TP.HCM. Hiện, doanh nghiệp trong tâm thế xác định dịch bệnh còn kéo dài, có thể phải đối mặt những đợt bùng phát sắp tới, cần tìm giải pháp ứng phó linh hoạt, vượt qua được giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, ưu tiên duy trì nguồn nhân lực, hoạt động của tập đoàn, việc đầu tư phát triển trở lại trong quý IV.
Gần đây, các chủ đầu tư đều có kế hoạch ra hàng, chào bán mạnh các sản phẩm dự án trong TP.HCM và tỉnh thành khác. Với tâm thế tăng tốc trong quý IV/2021 để bù lại thời gian ảnh hưởng dịch bệnh khá nặng nề trong quý III, các doanh nghiệp bắt buộc phải thay đổi, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong bất động sản, nắm bắt xu thế mới.
Đại Phúc Land đã có kế hoạch đưa ra sản phẩm mới để đa dạng hóa sản phẩm, như nhà căn hộ bên cạnh nhà phố, shophouse; đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạng mục, công trình xây dựng. Do có dự phòng sớm nên tiến độ công trường đã đạt 70-80% và cuối năm bảo đảm tiến độ cam kết bàn giao từ ban đầu. Bên cạnh việc làm sao tăng tốc về đích năm 2021 thì doanh nghiệp cũng đã có lộ trình phát triển trong năm 2022 với sự chung tay của phía nhà nước với các chính sách, cơ chế hỗ trợ để có thêm nguồn lực.
Tìm hiểu thực tế, so với các cuộc khủng hoảng kinh tế ở những giai đoạn trước, đại dịch Covid-19 tác động tới nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản có sự khác biệt. Trước đây, khi gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. Nhưng ở đại dịch lần này, thị trường bất động sản dù thiếu nguồn cung nhưng cầu một số lĩnh vực như bất động sản khu công nghiệp, logistics, nhà ở… vẫn phát triển tốt.
Ngoài ra, giá bất động sản không giảm, phản ánh nhu cầu thị trường vẫn cao ở những phân khúc nhà ở, chung cư, đất công nghiệp. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước khiến cho dòng vốn chờ vào bất động sản tương đối dồi dào. Đồng thời, thuận lợi tiếp theo là mục tiêu của Nhà nước vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn trong thời gian tới.
Bàn về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiên tệ quốc gia nhận định, về môi trường pháp lý, trong năm tới, Chính phủ sẽ dự kiến trình Quốc hội sửa 4 luật: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và một số điểm trong Luật Xây dựng. Và riêng năm nay, Chính phủ đã thống nhất dùng “một luật sửa nhiều luật”…
Tuy nhiên về phía doanh nghiệp, quan trọng nhất là cần phải thay đổi để thích nghi, sẵn sàng trở lại nhưng cũng cần quan tâm đến vấn đề thị hiếu, nhu cầu của khách hàng đã thay đổi rất nhiều. Do đó, các doanh nghiệp bất động sản cần chú ý về sản phẩm, chất lượng dịch vụ, hậu mãi ngày càng nâng cao, cũng như phải hướng tới chuyển đổi số mạnh mẽ hơn... để có thể phát triển bền vững dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.